Đọc Tô Hoài để bước vào “thế giới của mình”

Đọc để tìm thấy bản thân mình. Đọc để tìm được đường liên kết giữa mình và nhà văn, giữa mình và cuộc sống. Đọc để say mê, yêu ghét từ lập trường của chính mình. Đọc được như thế mới thật sự là đọc. Mà viết để người đọc có thể đọc như vậy, một trong những người làm được, là nhà văn Tô Hoài.

doc-to-hoai-de-buoc-vao-the-gioi-cua-minh-webphunu.net

Lứa trẻ con sinh vào những năm bảy mươi của thế kỉ hai mươi như chúng tôi lớn lên, phần nhờ cơm gạo xấu, bo bo, mì sợi thời bao cấp, và một phần lớn lại nhờ… các nhà văn, trong đó có nhà văn Tô Hoài.

Quả là bây giờ nhớ lại, tôi cứ thon thót nghĩ rằng, nếu chẳng may không có những cuốn sách ấu thơ ngày ấy thì không biết cuộc đời sẽ ra sao! Những ngày mùa đông xam xám, ngồi trong nhà đọc sách, thấy mình như trôi về một miền đất rộn ràng hoa lá, những dế mèn, bọ ngựa, cào cào, muồm muỗm, để đến bây giờ, ký ức tuổi thơ tôi vẫn cứ rộn ràng tiếng cười nói, đi lại, tranh cãi… của các nhân vật đồng quê thân mến ấy.

Tôi còn nhớ rõ cái cảm giác, khi mở trang sách đã cũ kỹ rách nát vì qua tay nhiều người đọc ấy ra, tai tôi đầy ắp âm thanh. Đóng lại, là một sự lặng im riêng tư đầy cô đơn của đứa trẻ thích nghĩ ngợi. Bấy giờ, mới thong thả tưởng tượng lại những cảnh vừa đọc. Đó là một niềm vui bí mật, ngỡ tưởng của riêng mình ngày bé. Thế nhưng không phải. Sau này tôi vừa thích thú vừa thất vọng khi nhận ra rằng, có rất nhiều người giống tôi, cũng ghi lại trong trí nhớ những chi tiết trong truyện y như tôi nhớ, không hiểu sao như được khắc chạm rất sâu trong đầu. Khắc bằng cả những câu chữ gọn gàng, không có gì phức tạp mà sao cứ lạ lạ, quen quen và đầy quyến rũ.

Một chàng võ sĩ Bọ Ngựa “hợm mình”. Một chàng mèo mướp có bộ lông “mờ mịt như tro ở bếp phủ lên”. Anh ri đá thích “nựng vợ”, chăm chỉ xây tổ ấm. Anh chim sẻ thích “to hó đứng ở đầu nhà”. Những ả Nhà Trò ưa “khóc tỉ tê”… Hay là, tôi cứ nhớ nhớ hình ảnh cậu “Cả Phúc” lôi thôi luộm thuộm trong “Vợ chồng trẻ con”, hoặc hình ảnh bé Mon trong “Đảo hoang” đi hái rau ngót rừng mà “hầm lá” bằng lá dong cho đến khi “cái lá hầm đã chín nục, bấm ngón tay đã đứt đôi”… Những câu chuyện cuộc sống ở tận đẩu tận đâu, từ những ngày xưa, qua lời kể của nhà văn cứ tha thiết thấm dần mà âm thầm xây dựng cho người đọc một cái phông văn hóa Việt tinh tế, bền chắc. Bởi văn hóa Việt, theo như tôi nghĩ, đâu chỉ tinh tế ở những thứ tròn trịa, trang trọng, nề nếp như nơi phố cổ mà còn có những lầm lụi, chất phác, mến thân ở những vùng quê. Nếu nói riêng về thể loại đồng thoại, thì thế giới đồng thoại trong văn Tô Hoài sống động, có khả năng khắc họa hình ảnh mồn một rõ nét, cho cảm nhận về từng loại cây loại lá, từng loài động vật… bằng tất cả các giác quan thông qua cách dùng từ gợi tả chính xác, thú vị, dí dỏm.

Chỉ cần đọc thôi, chưa cần đưa tác phẩm của Tô Hoài vào phân tích mổ xẻ trong nhà trường, thì văn của ông đã có thể khiến đứa trẻ đang thờ ơ e ngại trở nên nhiệt tình, say sưa với cuộc đời này. Bởi vì trong truyện của ông, sức hút nằm ở những chi tiết bắt người ta phải nhớ, phải nghĩ, phải liên tưởng, đôi khi phải bật cười. Mà trẻ con thì có nhiều thời gian dành cho việc nghĩ ngợi mà cười một mình hay rúc rích cười với nhau.

Truyện đồng thoại của Tô Hoài dường như viết không nhắm riêng cho đối tượng nào. Khi trẻ con đọc thì truyện ấy rõ ràng dành cho chúng, còn khi người lớn đọc, thì họ thấy được cái thâm thúy, cái suy ngẫm của câu chuyện bằng chính cái thâm thúy mà họ có được, bằng suy ngẫm qua chính những gì họ trải nghiệm. Tôi nhớ có lần, một anh bạn người Nga của tôi say sưa kể về một “mister Man” nào đó với một người bạn nước ngoài khác. Hỏi kỹ ra mới biết, đó là… ngài Dế Mèn mà anh đọc được trong cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” xuất bản bằng tiếng Nga những năm tám mươi của thế kỉ hai mươi. Và điều thú vị là, những cảm nhận của tôi về nhân vật Dế Mèn có nhiều điểm chẳng giống chút nào với cảm nhận của anh bạn cả. Mỗi người một xuất xứ, một hoàn cảnh sống và những kinh nghiệm sống khác nhau. Chỉ giống nhau ở chỗ, đã tiếp nhận Dế Mèn và những nhân vật xung quanh chú dế ấy một cách nồng nhiệt và yêu quý. Đọc Tô Hoài, mỗi chúng tôi rơi vào một thế giới, không phải của ông, mà là của riêng mình.

Bây giờ, khi tôi đã xa rời tuổi thơ từ lâu lắm rồi, thì đôi khi tôi vẫn đi tìm đọc lại Tô Hoài để được trở về quá khứ êm ái với những bụi găng, bụi duối hiền dịu của mình. Cũng vì thế mà tôi hay tự hỏi, trẻ con bây giờ có còn đọc được Tô Hoài không?

Trên thực tế, chúng, với thế giới mới mẻ, tốc độ và những nhân vật đặc trưng của thế hệ chúng, đã không còn thực sự quan tâm đến thế giới của Tô Hoài. Chúng ít thích lắng lại, suy nghĩ. Chúng ít thích cô đơn cầm cuốn sách, đắm chìm vào những trò chuyện tưởng tượng với dế, với bọ như tuổi thơ ngày xưa. Thế nhưng, nếu biết cách lách một đường dắt được chúng vào đó, thì chúng cũng bị thế giới đồng thoại kỳ thú của Tô Hoài chinh phục.

Một vài cô cậu bé bảo tôi: “Chúng cháu ghét phải đi tìm bài học của Dế Mèn! Nếu không phải nói ra bài học thì cháu thích đọc”.

Có vẻ như, chúng đang “nổi dậy” chống lại sự áp đặt việc đọc. Có lẽ, chúng không cần những bài học được đúc kết bằng câu chữ khô khan, mà chúng cần được cảm thấy bài học ấy trong khi thả hồn trôi theo lời kể. Có lẽ, chúng không cần những thẻ từ giải nghĩa kỹ lưỡng những từ nhà văn đã dùng mà chúng cần được biết cách vận dụng các giác quan mà cảm nhận cái lấp lánh kỳ ảo của câu chữ. Nếu xưa kia, trong giờ giảng văn, thày cô luôn muốn kết lại bài học một cách gọn gàng, thì bây giờ, trẻ cần một gợi mở. Truyện của Tô Hoài cũng có thể là một cách “mở”, để mời các độc giả nhỏ tuổi vào, để lôi cuốn chúng đi theo những thang bậc bình tĩnh, vững vàng của cảm xúc và kiến thức. Trong những buổi đọc sách cùng bọn trẻ, chúng tôi thường cho các em thấy lựa chọn của nhà văn về từ ngữ, phương án của nhà văn về cốt truyện… để các em thích thú thử “chơi” cùng chữ của ông bằng rất nhiều bài tập nhỏ. Và các em thường thích được đưa ra những phương án của riêng mình.

Lại một lần nữa tôi hiểu rằng, Dế Mèn của mỗi người phải khác, chuột, bọ, cây cối… tồn tại trong hình dung của mỗi người cũng phải khác. Và lại một lần nữa tôi hiểu rằng, từ lời kể của Tô Hoài, ta mở cửa bước vào thế giới của riêng mình chứ không phải thế giới của nhà văn.

Đọc để tìm thấy bản thân mình. Đọc để tìm được đường liên kết giữa mình và nhà văn, giữa mình và cuộc sống. Đọc để say mê, yêu ghét từ lập trường của chính mình. Đọc được như thế mới thật sự là đọc. Mà viết để người đọc có thể đọc như vậy, một trong những người làm được, là nhà văn Tô Hoài.

5/5 - (1 vote)

Leave a Comment

Powered by kienthucketoan.com

DMCA.com Protection Status