Những triệu chứng bệnh của bé mẹ không nên bỏ qua

Khi trẻ sốt phát ban, cha mẹ thường cho rằng đó chỉ là triệu chứng bệnh về da bình thường. Tuy nhiên trong một số trường hợp đây có thể là dấu hiệu bệnh viêm màng não, nếu xuất hiện những đốm chấm đen hoặc vết sưng tấy.

Bác sĩ Nhi khoa Dr Ashley Reece, chuyên viên Tư vấn và Giáo dục Y tế tại Hertfordshire (Anh) cho biết cha mẹ không nên xem thường những dấu hiệu bệnh lý ở trẻ, đôi khi các em đang khỏe mạnh, vui vẻ nhưng chỉ một cơn sốt hoặc sổ mũi thì đột ngột trở bệnh nặng. Đặc biệt với một số căn bệnh nguy hiểm không phải lúc nào cũng có những triệu chứng cụ thể, nếu chịu khó quan sát, người lớn có thể thấy những dấu hiệu dễ nhận biết sau đây để dự đoán bệnh của trẻ:

1. Sốt cao

Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 37 độ C, nếu nó tăng lên 37,5 độ C tức là sốt (ngoại trừ những đứa trẻ dưới 3 tuổi có thân nhiệt cao hơn). Về vấn đề này, các bác sĩ nhi khoa khuyên, bên cạnh việc theo dõi chỉ số nhiệt độ cơ thể, điều quan trọng hơn mà cha mẹ cần làm là quan sát các biểu hiện khó chịu ở đứa trẻ. Nếu thấy các em vui chơi và ăn uống bình thường thì không cần lo lắng, nhưng nếu chúng có vẻ cáu kỉnh, tính khí bất thường hoặc uể oải, có thể là dấu hiệu bệnh lý nên cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

2. Sốt phát ban, kèm theo đau đầu, tê cứng cổ

Khi trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ thường cho rằng đó chỉ là triệu chứng bệnh về da bình thường. Tuy nhiên trong một số trường hợp đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não. Theo các bác sĩ, có nhiều bệnh gây phát ban, trong đó nguy hiểm nhất là phát ban do viêm màng não với biểu hiện là những đốm chấm đen hoặc vết sưng tấy khắp người. Những vết sưng màu đỏ thường không xẹp xuống khi dùng tay ấn mạnh vào nó.

Ngoài ra, có những triệu chứng khác như sợ ánh sáng mặt trời, nôn mửa, ngủ mê man khó đánh thức, rối loạn hoặc ngất xỉu cũng là dấu hiệu bệnh viêm màng não ở trẻ. Khi thấy những biểu hiện này, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện chữa trị để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.

3. Trẻ khóc dai dẳng

Thông thường, nếu trẻ khóc không dứt, khóc lớn hơn bình thường, kèm theo sốt, đó có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng nặng. Cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để được khám và tư vấn điều trị ngay.

4. Khó thở, khò khè

Nếu con bạn khó thở, khò khè, bỏ ăn, nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay bởi đây có thể là dấu hiệu chỉ điểm bệnh về hô hấp. Căn bệnh này là nguyên nhân phổ biến thứ 5 gây tử vong cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi tại Anh.

Khó thở, khò khè có thể do bệnh hen suyễn hoặc nhiễm virus viêm phổi khiến trẻ không có đủ ôxy để thở. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu khác của bệnh hô hấp cũng cần được quan tâm gồm:

– Xuất hiện màu xanh xung quanh miệng trẻ, môi hoặc móng tay.

– Màu da tái nhợt hoặc xám đi.

– Mũi sưng phồng lên.

5. Đau bụng, đau dạ dày dữ dội

Những cơn đau bụng dai dẳng có thể do rối loạn tiêu hóa, thay đổi thức ăn hoặc chứng táo bón. Tuy nhiên đau bụng dữ dội, nhất là ở vùng bụng bên phải kéo dài nhiều giờ có thể là biểu hiện của bệnh viêm ruột thừa. Nếu tình trạng này kéo dài có thể đe dọa mạng sống nên cần được đưa đến bác sĩ ngay.

6. Đau đầu như búa bổ, nhất là sau khi bị ngã

Đau đầu là căn bệnh phổ biến. Tuy nhiên trong một số trường hợp đầu đau như búa bổ, đau kéo dài, cần được kiểm tra ngay. Chẳng hạn, những cơn đau đầu như búa bổ có thể là gợi ý tình trạng não bị chấn động hoặc tổn thương não bộ, đặc biệt nếu kèm theo nôn mửa, thị lực thay đổi, chóng mặt, rối loạn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Bệnh trở nặng là khi những triệu chứng trên có biểu hiện ngày càng xấu đi, cơn đau đầu xuất hiện vào buổi sáng, kèm theo nôn mửa, và nôn mửa có thể làm dịu cơn đau.

7. Dị ứng

Dị ứng thức ăn cũng có thể dẫn đến tử vong. Những thức ăn có thể gây dị ứng ở trẻ em như trứng, cá, đậu nành, hải sản và sữa. Những chất dị ứng tiềm ẩn khác là nọc độc ong và thuốc.
Ngoài ra một số dấu hiệu dị ứng tiềm ẩn có thể đe dọa tính mạng trẻ như thở khò khè hoặc khó thở; phát ban đỏ gây đau, khó chịu; môi, cổ họng hoặc lưỡi sưng.

8. Choáng, ngất xỉu

Trẻ đang chơi, bỗng choáng ngất không rõ nguyên nhân, cha mẹ không nên chủ quan, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay. Đặc biệt, triệu chứng này nặng hơn khi trẻ xỉu kéo dài trong vài phút, hơi thở ngắn, nhịp tim yếu, co giật hoặc lên cơn tai biến.

9. Đi tiểu thường xuyên, giảm cân, thường xuyên khát nước và hôn mê

Những triệu chứng trên là dấu hiệu chỉ điểm bệnh đái tháo đường loại 1. Bệnh này thường gây khát nước, hôn mê, thậm chí tử vong…

10. Tiêu chảy kinh niên và nôn mửa

Triệu chứng này kéo dài hàng giờ có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng, khiến cơ thể mất nước. Lúc này trẻ cần được uống nước bổ sung muối khoáng, đồng thời nên đưa bé đến gặp để được điều trị kịp thời.

5/5 - (2 votes)

Leave a Comment

Designed by thichbanh.com DMCA.com Protection Status