Người thân có vai trò quan trọng với bà mẹ trầm cảm sau sinh

Sản phụ sau sinh không chỉ cần được chăm sóc sức khỏe về thể chất mà còn cả tinh thần – Ảnh: T.T.D.

Khi vừa xảy ra vụ án bà mẹ trẻ giết con 35 tuổi do bệnh lý sau sinh đã dấy lên trong lòng nhiều người sự thương cảm, xót xa.

Trước đó, rất nhiều vụ án mẹ vứt con xuống giếng hoặc tự tử cũng do chứng trầm cảm sau sinh đã khiến nhiều người thương tâm, đặc biệt là gia đình các nạn nhân.

Cần quan tâm từ những những ngày đầu sau sinh

“Không chỉ tỷ lệ mà vấn đề trầm cảm sau sinh vẫn đang báo động. Bản thân người phụ nữ khi trước, trong và sau khi mang thai có quá nhiều thay đổi tâm sinh lý cần có sự đồng hành, chia sẻ của người thân, chồng, bạn bè để tránh những hậu quả đáng tiếc không chỉ bản thân người phụ nữ mà cho chính con của họ”- Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết.

Đa số các bà mẹ sau khi sinh sẽ có biểu hiện buồn chán, nhưng trong khoảng 3 tuần đầu những biểu hiện vẫn đang ở trạng thái “cảm giác mất cân bằng”, người mẹ thường thấy mệt mỏi, kèm theo các bệnh lý thể chất sau sinh, các cơn đau, cơ thể thay đổi, hoạt động khó khăn, thích nghi với nhân tố mới, lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân…

Nhưng sau giai đoạn này vẫn không thể chia sẻ gánh nặng này được với ai sẽ khiến tình trạng nặng nề hơn.

Từ lo lắng, người mẹ trở nên buồn rầu, hay cáu gắt vô cớ, hoảng hốt, suy nhược cơ thể, cảm thấy nuôi con là một gánh nặng, sẽ có những hành động làm tổn thương con như quát nạt hoặc đánh con.

Tệ hơn là giết con mình trong vô thức hoặc bản thân nhiều lần tìm đến cái chết.

Cần chuẩn bị tâm lý từ lúc trước mang thai

Theo bà Minh Huệ, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới trầm cảm sau sinh. Nhưng quan trọng là khi người phụ nữ quyết định mang thai cần phải được chuẩn bị đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần.

Nếu có chồng hãy cùng chồng tham gia các lớp tiền sản, nếu đơn thân hãy có người thân bên cạnh tham gia.

Bởi những người thân cận, đặc biệt là chồng cần gần gũi sẽ chia sẻ, cảm thông, động viên và kịp thời nhận biết trạng thái “chịu đựng” của người mẹ ở đâu, cần làm gì để giúp vợ giải tỏa tránh làm tình trạng trầm trọng hơn.

Bệnh ở giai đoạn nhẹ nếu được sự giúp đỡ của gia đình người mẹ có thể phục hồi nhanh chóng.

Bản thân người mẹ cũng không nên phụ thuộc cảm xúc quá vào người thân, mà sự chuẩn bị tinh thần bao gồm cả việc học cách chia sẻ những vấn đề khó khăn của mình ngay từ đầu.

Tránh trường hợp khi mọi việc tồi tệ mới nói, hay đến giai đoạn hoang tưởng mới bộc lộ thì mọi người không hiểu, tránh xa vì cho rằng mình trầm trọng hóa vấn đề.

Trong trường hợp người thân nhận biết được rồi mà vẫn không giúp người mẹ giải tỏa hiệu quả, cần tìm đến chuyên gia có chuyên môn, có kinh nghiệm điều trị tại các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa tâm thần.

Không nên khám ở phòng khám chung nội khoa vì sẽ mất cơ hội được điều trị đúng, đủ ngay từ đầu. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu trầm cảm giúp ích rất lớn trong quá trình điều trị.

Cần lưu ý khi bị trầm cảm, người mẹ không được khỏe nên cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Việc thay đổi từ cuộc sống tự do sang gò bó đã khiến họ cảm thấy quá buồn chán, nên luôn có người thân bên cạnh giúp họ không thấy cô độc.

Chính vì vậy, vai trò của người thân rất quan trọng. Tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong gia đình, có quan tâm ân cần từ bữa ăn, giấc ngủ, những lời nói tích cực, sự chia sẻ trong việc chăm sóc em bé sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp các bà mẹ vượt qua được những khủng hoảng sau sinh.

Hoặc bà mẹ nên tham gia các câu lạc bộ các bà mẹ để cùng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con, có nhiều người cùng hoàn cảnh như mình sẽ thấy mình không lạc lõng, vẫn được sống tích cực như thời son trẻ.

Bên cạnh đó, người thân cần quan tâm hơn đối với những người có tiền sử bị trầm cảm, stress trước và trong quá trình mang thai hoặc trong quá trình sinh con gặp phải khó khăn trong khi sinh, con sinh ra gặp phải những vấn đề về sức khỏe, đẻ non.

Những phụ nữ có hôn nhân không hạnh phúc hoặc không có sự giúp đỡ của gia đình, xã hội thì nguy cơ trầm cảm cũng rất cao.

Leave a Comment

DMCA.com Protection Status