Mẹ dạy con gái 8 bí quyết chọn chồng như ý

Gửi hai cô con gái bé nhỏ của mẹ:

Một ngày nào đó, rất gần thôi, cha và mẹ sẽ phải chấp nhận thực tế là con sẽ hẹn hò, và sau đó sẽ yên bề gia thất. Khi đó, cha mẹ hy vọng con sẽ chọn được một người bạn đời (nam hay nữ không quan trọng) khiến con hạnh phúc – một người tốt bụng, trung thực và biết tôn trọng người khác (và nhiều điều khác nữa, chút nữa thôi mẹ sẽ nói).

Điều thú vị là khi lựa chọn người bạn đời đó, con sẽ chưa thể hiểu được chính xác việc dành phần còn lại của cuộc đời để gắn bó với một ai đó là như thế nào. Theo cách nào đó, người ta nói đúng: Đó là một lựa chọn đầy yếu tố may rủi.

Trong nền văn hóa của chúng ta, ta dành rất nhiều thời gian để phát triển kiến thức học thuật, rèn luyện sức khỏe thể chất, quyết định xem sẽ học trường đại học nào hay nghiên cứu về chi tiêu tài chính. Nhưng chúng ta lại dành rất ít thời gian để dạy cho những người trẻ tuổi cách đưa ra lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời họ. Bởi đó chính là vấn đề – việc lựa chọn bạn đời sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của con nhiều hơn rất nhiều so với việc con học đại học nào, con làm nghề gì hay con ở đâu.

Bà và ông (cha mẹ của mẹ) năm nay đã kỷ niệm 40 năm ngày cưới, và các bác cũng đang kỷ niệm 20, 30 năm ngày cưới của họ. Cha và mẹ vẫn chưa đi được đoạn đường dài như vậy với 12 năm, nhưng cha mẹ rất hạnh phúc, và những người thân khác cũng sẽ nói với con điều tương tự. (Tuy nhiên công bằng mà nói, họ sẽ nói với con điều đó kể cả khi họ không hạnh phúc, giống như rất nhiều người khác, điều này chỉ càng làm thiếu đi sự giáo dục về vấn đề này). Do đó khi lựa chọn một người bạn đời và quyết định gắn bó với nhau, mẹ nghĩ có rất nhiều ví dụ tuyệt vời xung quanh chúng ta.

Mẹ không phải là chuyên gia về tình yêu hay các mối quan hệ: mẹ chỉ biết điều mẹ biết qua kinh nghiệm, và mẹ đã từng chứng kiến những mối quan hệ xung quanh mình thành công hay đổ vỡ. Và với kiến thức đó, dưới đây là 8 điều mẹ hy vọng con sẽ xem xét khi lựa chọn bạn đời.

1. Có những điểm chung lớn. Các con có cùng quan điểm về việc có hay không có con cái hay không? Ít nhất 2 người thân của con đã ly dị vì câu trả lời của họ là không. Các con có thái độ giống nhau về tôn giáo hay tâm linh không? Các con có đồng tình về các vấn đề tài chính cá nhân – trả nợ, tiết kiệm, mua sắm? Cuối cùng, và đừng đánh giá thấp điều này, bởi nó có tác động rất lớn tới cuộc hôn nhân của cha mẹ con: Khi nói tới việc dành thời gian với gia đình của nhau (các ngày nghỉ, ngày lễ) và chăm sóc cha mẹ già, các con có thống nhất về việc làm sao cho hợp lý hay không?

2. Tìm “nửa kia” đích thực. Những điểm chung đó rất quan trọng, nhưng việc có một người mạnh ở những điểm con còn yếu kém là rất đáng quý. Điều đó tạo ra một sự cân bằng và giúp các con phân chia trách nhiệm một cách tự nhiên. Ví dụ, mẹ không thích tiếp xúc với các công ty – công ty truyền hình cáp, ngân hàng, công ty điện lực. Nhưng cha con không phiền, và ông ấy giỏi giao tiếp với người khác hơn mẹ, do đó ông ấy là người phụ trách việc đó. Trong khi đó, ông ấy không thể chịu được khi chỉ có vài giờ để ngủ, còn mẹ thì có thể, nên mẹ là người thức dậy với hai đứa và vật nuôi vào ban đêm và vào các buổi sáng cuối tuần để cha còn nghỉ ngơi. (Một số người có thể cho rằng như vậy là thể hiện vai trò giới tính theo khuôn mẫu, nhưng cả cha lẫn mẹ đều làm việc toàn thời gian và phụ trách các việc khác nhau trong nhà, nên đối với mẹ như vậy là công bằng.)

Con sẽ tương đối nhanh chóng phát hiện ra các điểm yếu chung. Ví dụ, khi cha mẹ mua một căn nhà hai tầng với một khoảnh sân nhỏ nhưng cần được chăm sóc cẩn thận vào năm 2008, cha mẹ đã rất vui mừng. Tuy nhiên, cha mẹ sớm nhận ra rằng cả hai đều không muốn chăm sóc cho cái sân. Cha con lớn lên trong những căn hộ tập thể cao tầng, nơi không nhà nào có sân cả. Còn trong ngôi nhà mẹ lớn lên, ông ngoại con là người làm những việc đó, do đó mẹ thậm chí không biết cách bật máy cắt cỏ. Kết quả là khoảnh sân nhà mình là một mớ cây mọc hoang lộn xộn, hàng xóm thường xuyên hỏi một cách lịch sự xem liệu họ có giúp chúng ta dọn sân được không, và mỗi mùa thu mẹ lại phải lùng sục trên Craigslist để tìm ai đó tới dọn hết lá vàng đi.

bi quyet chon chong1

3. Loại hình tượng hoàn hảo ra khỏi đầu. Không lập danh sách tiêu chuẩn – dù trong đầu hay viết ra giấy – về những tính cách mà bạn đời tương lai phải có. Con không thể thiết kế ra một người lý tưởng rồi tới Target mua con rô bốt đó được. Nếu phải lập danh sách, hãy lập danh sách những điều con không bao giờ chấp nhận: hút thuốc, nghiện ngập, từng mắc trọng tội về bạo lực. Đó là những ranh giới lành mạnh cần được đặt ra.

4. Đừng mong đợi người khác thay đổi. Nếu người bạn đời tương lai của con là một kẻ làm biếng, đừng trông đợi họ biến thành một người sạch sẽ gọn gàng chỉ vì con. Dĩ nhiên, một số điều có thể thay đổi được. Có lẽ một người nấu ăn kém có thể trở nên giỏi giang hơn, hoặc một người ngáy rất nhiều có thể lập nên lịch trình ngủ hợp lý để khắc phục vấn đề. Nhưng hãy tự hỏi, nếu tính cách mà con ghét không bao giờ thay đổi, con liệu có thể vẫn yêu và sống với người đó không?

5. Cảm thấy thoải mái với họ như thể đang ở nhà. Con có thể cảm thấy thực sự là mình khi ở cạnh người đó không? Ý mẹ là thực sự chính bản thân con. Con có thể cười đến mức sặc nước bọt như mẹ và không cảm thấy xấu hổ không? Con có thể bày tỏ những ý kiến không được ưa thích hoặc đối lập với họ và không cảm thấy bị xa lánh không? Con có thể thừa nhận rằng con không biết điều gì đó mà không cảm thấy lo lắng hay bị đánh giá không?

6. Đừng chỉ yêu họ, con phải thích họ. Bạn đời có nghĩa là suốt phần đời còn lại, và hy vọng đó sẽ là một khoảng thời gian dài mãi. Khi đã ở tuổi trung niên, cảm thấy kiệt sức và không thể vận dụng đủ sức lực để tiệc tùng cả đêm, liệu con có thích một đêm yên tĩnh ở nhà chỉ với 2 người không? Các con có những cuộc nói chuyện dài mà trong đó con cảm thấy có hứng thú với con người đó và những gì họ muốn nói không? Họ có làm con cười không? Đó là lý do tại sao một số người nói rằng hai người nên làm bạn trước. Nếu con thực sự thích họ, mẹ nghĩ con sẽ có nhiều khả năng tiếp tục quan tâm tới mối quan hệ và cố gắng duy trì nó, ngay cả khi (đặc biệt là khi) mọi chuyện trở nên khó khăn.

7. Khám phá khả năng tương thích. Một số người cho rằng trái dấu thì hút nhau, và điều này có thể đúng. Nhưng đôi khi con cần tới ai đó phù hợp với con một cách tự nhiên. Cả hai con có phải đều là những người sành ăn thích nấu ăn hoặc ăn ở hàng không? Cả hai con có cùng thích đi du lịch không? Cả hai con có phải đều thích ở nhà không? Cả hai con có cùng đam mê học tập không? Sự tương đồng về mức độ hoạt động và tham vọng có thể tạo nên một cặp đôi (và cuối cùng là một gia đình) muốn làm mọi việc cùng nhau. Về cơ bản, các con có cùng vui thú với nhau không? Với cha, mẹ đã có nhiều khoảnh khắc vui hơn với bất kỳ ai khác. Ông ấy luôn khiến mẹ cười một cách sảng khoái và vui vẻ.

8. Tìm đến những đức tính hợp tác tốt nằm ngoài mức độ hòa hợp của các con. Dù lãng mạn, kinh doanh hay gì khác, những đức tính này luôn đem lại sự hợp tác tốt: đồng cảm, chính trực, trung thực, tin cậy, ổn định và có cảm xúc. Khi cuộc đời con có sóng gió – và con sẽ gặp phải chúng, đó có thể là một căn bệnh, một người thân qua đời hoặc bị mất việc – một người bạn đời tốt sẽ luôn thể hiện những đức tính đó và giúp con vượt qua. Để cho con biết ai trung thành với con, không có gì sánh bằng khó khăn. Nếu con gặp chút khó khăn và bạn đời con lại không hỗ trợ được cho con về cảm xúc, thì đó là lúc con phải xem xét lại lựa chọn của mình.

Quyết định lựa chọn bạn đời là của con và chỉ của con mà thôi. Đây là những gì mẹ đã học được từ kinh nghiệm bản thân, và mẹ chỉ đang cố gắng chia sẻ với con càng nhiều hiểu biết càng tốt để hỗ trợ cho con trong quá trình này. Dù con chọn lựa ai, cha và mẹ vẫn sẽ luôn yêu con hơn hết thảy điều gì khác trên thế giới.

Mẹ của con!

Leave a Comment

DMCA.com Protection Status