Cuốn sách đó tôi mua nhưng không phải cho tôi, tôi mua để dành tặng sinh nhật một người bạn của mình. Cô ấy nói rất muốn mua nhưng lại có tâm lý sợ sệt trước hai lựa chọn vì chẳng biết lựa chọn nào là tốt nhất. Và vì sắp đến ngày sinh nhật cô ấy, tôi chứng kiến mọi diễn biến nội tâm phức tạp của cô, thậm chí cô đã rủ tôi chơi trò tù xì để quyết định giúp mình, nên đã xướng lên suy nghĩ rằng hãy tặng nó như một món quà. Món quà ấy của tôi có tên: Ba ơi, mình đi đâu.
Bìa cuốn sách “Ba ơi mình đi đâu”
Trong một tiệm sách với những kệ sách được sơn vàng bóng và trải dài theo khắp căn phòng, nếu không để ý sẽ chẳng biết cuốn sách nằm ở đâu giữa cơ số những cuốn sách khác với tên gọi thật kêu và thiết kế bìa dễ gây ấn tượng chỉ bằng một cái liếc nhìn. Thoạt đầu, tôi chỉ nghĩ Ba ơi, mình đi đâu thế chỉ đơn thuần là một cuốn sách về tình yêu của người cha với những đứa con còn thơ trẻ của mình. Khi còn bé, đã bao nhiêu lần tôi nắm lấy bàn tay vững chãi và ấm áp của bố và hỏi rằng bố chúng ta sẽ đi đâu thế để bấy nhiêu lần bố trả lời câu hỏi của tôi nhẫn nại thôi nhưng tràn ngập yêu thương. Lúc ấy tôi đã chẳng để ý đến hình vẽ trên bìa của cuốn sách.
Ba ngày sau, bạn tôi gọi điện cho tôi nói rằng cô ấy sẽ rất vui nếu có thể chia sẻ món quà đặc biệt này, cô chạy xe từ nhà qua chỗ tôi trong đêm tối mịt chỉ lác đác vài người đi lại và cái bóng dài của những cây cột điện để đưa cuốn sách cho tôi. Tôi hỏi cô nó có vui không, cô chỉ mỉm cười đáp lại rằng : Chua chát cậu à!!! Tôi chưa bao giờ nghĩ cô ấy sẽ trả lời mình như vậy nhưng từ đấy tôi nhìn cuốn sách bằng một con mắt khác, chắc chẳng được vui tươi như xưa nữa mà biết đâu nó tràn ngập một ám ảnh u buồn.
Cuốn sách ngắn thôi, chẳng cần quá nhiều thời gian để đọc hết và như bạn tôi nói, cảm giác chua chát xuất hiện trong tôi. Tác giả của cuốn sách là một nhà văn đã xuât bản bao nhiêu cuốn sách khác trước khi cho ra đời bản thảo này và ông theo cách nói của mình có đến hai ngày tận thế.
Ông là cha của hai đứa con tật nguyền, việc có một đứa con không giống như bao đứa trẻ khác từ lúc mới sinh ra đời đã là một nỗi đau không thể xoa dịu với bất kỳ bậc làm cha làm mẹ nào nhưng với ông nỗi đau đó nhân lên gấp hai sau khi cố gắng thêm một lần nữa để tạo ra một thiên thần bé nhỏ tóc vàng nhưng kết cuộc nó cũng đi trên con đường như người anh của nó đã bước qua – không đến trường cũng chả phải làm bài tập, chỉ cần tồn tại để đến một độ tuổi nhất định nào đó rồi tương lai sẽ được ông trời quyết định.
Những dòng miêu tả của ông về hai cậu con trai của mình – Mathew và Thomas không nhiều, có chăng chỉ là những lần lặp đi lặp lại một số câu hỏi nhất định rằng Ba ơi, mình đi đâu, cái đầu tóc bờm xờm, khuôn mặt dại khờ với cái miệng lúc nào cũng lòng thòng dãi nhớt và cái lưng còng như những người nông dân già nua dành cả quãng đời dài của mình cho việc trồng trọt. Nỗi đau của ông đã không thể hiện nói thành lời được nữa, ông giễu cợt cười đùa với khuyết tật của hai đứa trẻ, rằng ông chẳng cần phải lo lắng quá nhiều đến tương lai của bọn trẻ, đơn giản vì chúng sẽ được sống những ngày tháng an nhàn trong viện của những người khuyết tật hay sợ chúng sẽ gây ra thương tích cho bất kỳ ai vì ngay cả nỗ lực đứng dậy và bước đi cũng đã tiêu tốn hết năng lượng của chúng rồi.
Những lời nói đùa của ông làm tôi cảm thấy xót xa, có bậc cha mẹ nào mà mong cho con mình tật nguyền và việc có hai đứa trẻ như vậy làm ông có quyền than ngắn thở dài với mọi người về cái định mệnh kém may mắn của mình nhưng ông thường làm ngược lại, chẳng phải để mọi người an tâm với những gì ông đang trải qua, đó chỉ là cách ông phản ứng lại cái số phận nghiệt ngã của mình và hai đứa con trai ông. Phải chăng ông lấy nụ cười để che đi những giọt nước mắt.
Trong những trang viết, ông chẳng nói nhiều về tình thương của mình dành cho những đứa con, có khi ông còn thẳng thắn bộc lộ ra những suy nghĩ độc ác hung tàn với mong muốn chẳng phải nuôi hai đứa trẻ tật nguyền đó nhưng rồi tôi thấy, ông lo cho hai đứa trẻ ấy sẽ chẳng hiểu thế nào là tình yêu, sẽ chẳng bao giờ gương mặt chúng được xuất hiện trên chiếc thẻ chứng nhận công dân mà chỉ được in xuềnh xoàng trên thẻ người khuyết tât có cộng thêm dòng chữ vĩnh viễn.
Đọc câu chuyện của ông, tôi cảm thấy đau lòng và bứt rứt. Tôi đau lòng vì tôi đã biết cha mẹ khi có một đứa con là người khuyết tật có những suy nghĩ gì, những tháng ngày họ trải qua chẳng biết là ngày hay đêm và họ sẽ chẳng còn đong đếm thời gian nữa vì con họ sẽ chẳng thể nào lớn lên được nữa, chúng sẽ mãi tồn tại với cái dáng hình thời bé chập chững ấy. Tôi đau lòng vì người ta sẽ chẳng thể nào hiểu được cảm giác ấy khi chưa bao giờ trải nghiệm và sẽ chẳng biết phải đối mặt với nó ra sao. Trong tôi cũng bứt rứt vì tôi không hiểu và sẽ chẳng bao giờ hiểu những cô cậu bé bị khiếm khuyết một phần nào đó trên cơ thể và trong tâm hồn có bao giờ thấy mặc cảm về sự không hoàn hảo của chúng hay có mong ước rằng mình chưa bao giờ được sinh ra trên thế giới này.
Như lời nhận xét của Christine Jordis, Trưởng ban giám khảo giải Fémina: “Một cuốn sách hướng con người đến cái Thiện”.
Có lẽ chúng không nên ở đây, chúng đã đáp sai tàu tốc hành, chúng đáng ra nên bay đến bên cạnh thượng đế trên thiên đàng. Nhưng họ đã sống và chiến đấu, họ không từ bỏ những đứa con của mình và những đứa trẻ chưa bao giờ thôi khao khát sống. Tôi mong sẽ có nhiều người tìm đến cuốn sách này để hiểu rõ thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng và khi gấp sách lại ta biết rằng mình nên bớt bi lụy, cuộc sống ngoài kia vẫn còn rất tươi đẹp, hạnh phúc mong mạnh nhưng không bao giờ lụi tắt.
Và giống như mục đích ban đầu của Jean-Louis, tác giả cuốn sách, sẽ chẳng ai có thể quên được Mathew và Thomas và càng không quên rằng cha chúng yêu chúng nhiều như thế nào.
Tên sách: Ba Ơi, Mình Đi Đâu? Tác giả: Jean-Louis Fournier Dịch giả: Phùng Hồng Minh Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn Hình thức bìa: Bìa mềm |