Nỗi lo của người mẹ có cặp sinh đôi khác biệt một trời một vực

Chị Hồng, 28 tuổi (ở Đống Đa), có hai bé gái sinh đôi khác trứng, nay 8 tháng tuổi. Sự khác biệt rõ ràng của hai bé, kéo theo tình cảm của người lớn dành cho khác nhau, đã được chị Hồng chia sẻ trong một diễn đàn nuôi dạy con mới đây.

“Nhà em sinh đôi khác trứng. Bé chị thì còi, biếng ăn, ít ngủ nên nó cũng khó tính hơn, hay mè nheo. Bé em thì ăn ngoan, ngủ ngoan, mặt nó trông vô tư và dường như nó có cái duyên gì đó mà ai tiếp xúc cũng bị ấn tượng.

Vì thế, chị không chiếm được cảm tình như em và mọi người đến chơi đều thích chơi và bế em hơn. Thậm chí bố nó cũng thích em hơn. Bà nội thì thiên vị thấy rõ luôn. Dù đang bế chị nhưng mồm vẫn nói yêu em nhất.

Đó là trăn trở của em các mẹ à. Nhiều lần, em để ý ánh mắt của bé chị nhìn mọi người vui đùa cùng em nó, rùi nó quay đi chơi một mình mà thương ghê gớm.

Em không muốn con phải thấy tủi thân vì em nó được yêu quý hơn mình. Thậm chí có đứa suy nghĩ tiêu cực, nó còn ghét em và khép mình vào nữa ấy.

Em cũng phân tích cho bố nó và cả nhà hiểu, nhưng bà nội tính hồn nhiên và thật quá, không biết che giấu tình cảm, cảm xúc

Còn mọi người khác thì em nói sao được. Mà tình cảm lại là thứ tự nhiên.

Có nhà nào giống nhà em không ạ?”.

Hai bé Trúc Nhi, em (ảnh trên) và Thảo Nhi, chị (ảnh dưới) có tính cách khác nhau. Bé em thu hút được nhiều tình yêu của mọi người hơn chị.

Hai bé Trúc Nhi, em (ảnh trên) và Thảo Nhi, chị (ảnh dưới) có tính cách khác nhau. Bé em thu hút được nhiều tình yêu của mọi người hơn chị.

Chia sẻ, chị Hồng cho biết, cặp sinh đôi của chị, bé lớn tên Thảo Nhi, bé em tên Trúc Nhi. Do mẹ ít sữa nên hai bé được nuôi theo chế độ khác nhau. Từ lúc 3 tháng tuổi, bé lớn còi và không chịu bú bình, nên chị Hồng dồn lực nuôi bằng sữa mẹ. Bé em phải uống sữa ngoài.

Ngay từ lúc đó, một bé nuôi khó, một bé nuôi rất dễ, nên chị Hồng đã dành nhiều thời gian chăm sóc bé lớn, bé em phải nhờ người giúp việc. Thành thử, bé chị rất quấn mẹ, bé em ít quấn hơn. Sau này, khi đi làm trở lại, chị Hồng càng ít thời gian bên bé em hơn nữa.

Vẻ ngoài của hai bé khác nhau. Bé em rất giống bố, người tròn, da hơi ngăm đen, mắt to, ai nhìn cũng bảo là photo công chứng của bố. Bé chị trắng, thanh mảnh, mắt nhỏ, chỉ hơi giống mẹ.

Bé chị Thảo Nhi (trái) và em Trúc Nhi (phải). Dù sinh đôi nhưng Thảo Nhi và Trúc Nhi hiếm khi chơi với nhau. Lần thấy hai con cười với nhau khi hơn 5 tháng tuổi, chị Hồng đã ứa nước mắt vì hạnh phúc.

Bé chị Thảo Nhi (trái) và em Trúc Nhi (phải). Dù sinh đôi nhưng Thảo Nhi và Trúc Nhi hiếm khi chơi với nhau. Lần thấy hai con cười với nhau khi hơn 5 tháng tuổi, chị Hồng đã ứa nước mắt vì hạnh phúc.

Tính cách bé em cũng giống hệt bố là nóng tính, hay khục khặc, nhưng cũng rất dễ thỏa hiệp. Còn chị do ăn kém, ngủ kém nên khó tính, hay mè nheo. Bé chị cũng ranh hơn, toàn tranh đồ chơi của em. “Mọi dấu mốc phát triển tuy chậm hơn em, nhưng từ 4 tháng tuổi đã biết cười lấy lòng mẹ rồi”, chị Hồng chia sẻ.

Ngay đến cả chú của hai bé cũng không ít lần bình luận: “Con chị khóc thì thấy thương, con em khóc thì thấy buồn cười”.

Các biểu cảm của bé em từ chuyện khóc, ăn no, say sữa hay nổi nóng… đều trở nên đáng yêu và hấp dẫn. Như có một sự thu hút ngầm, bé em được tất cả mọi người vừa nhìn đã quý và sà vào muốn chơi. Tất cả các tình huống đều đi đến một kịch bản này, khiến người làm mẹ như chị Hồng không thể không lo lắng. Những lúc như thế, chị Hồng dù có đang làm gì cũng bỏ đó chạy lại chơi với bé chị để con quên đi việc mình ít được quan tâm.

Chị Hồng đã nhiều lần gián tiếp hoặc trực tiếp nói với mọi người trong gia đình để không phân biệt tình cảm với hai bé. Song, tình cảm vốn là thứ tự nhiên nên thỉnh thoảng mọi người vẫn hành động theo bản năng.

Chị Hồng thương bé chị yếu ớt, không giành được tình cảm của mọi người bao nhiêu lại thương bé em không được bú mẹ, thiếu sự chăm sóc của mẹ bấy nhiêu.

Chị Hồng thương bé chị yếu ớt, không giành được tình cảm của mọi người bao nhiêu lại thương bé em không được bú mẹ, thiếu sự chăm sóc của mẹ bấy nhiêu.

Chuyên gia tâm lý Minh Hoa (Tổng đài 1088, TP HCM) phân tích, trẻ em vốn rất nhạy cảm. Những chuyện không hay xảy ra trong thời thơ ấu sẽ để lại vết hằn tâm lý trong trẻ, khi lớn lên, hoặc nó sẽ trở thành đứa bé nổi loạn, hoặc sẽ trầm tính, khép mình.

Trong trường hợp của chị Hồng, chuyên gia khuyên cả gia đình cần điều chỉnh lại, không chỉ trong hành động mà cả suy nghĩ. Riêng chị Hồng, nên dành thêm thời gian cho bé em được gần gũi mẹ hơn.

“Tại sao chúng ta thường thấy những em bé sinh đôi mặc đồ giống nhau, có đồ chơi như nhau, điều đó ở một góc độ nào đó là muốn thể hiện sự công bằng giữa chúng”, nhà tâm lý nói.

DMCA.com Protection Status