Trời nóng 40 độ, làm sao để trẻ tự cảm thấy thèm ăn?

Nhiều đứa trẻ cứ thấy mẹ bưng bát cơm ra là khóc. Cơm bún cháo phở mì miến…, món nào mang ra cũng bị từ chối. Có bé còn rúc đầu vào chăn để trốn ăn. Có bà mẹ nhìn con mím chặt mồm trước bát thức ăn thì bất lực, nước mắt lưng tròng năn nỉ: Con không ăn, người cứ quắt queo thế này thì mẹ biết phải làm sao?

Nhưng thật sự sẽ là rất sai lầm nếu thấy trẻ lười ăn mà lại cố dùng mọi cách đề dọa nạt nhồi nhét. Tai hại nhất, đó là không những ông bà bố mẹ nhồi nhét mà người giúp việc hay cô giáo ở trường mầm non, trước sức ép tâm lý muốn làm vừa lòng phụ huynh đã tìm đủ mọi cách để ép trẻ.

Chị Mỹ (ngõ 84 Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho biết, chỉ đến khi người giúp việc nhà chị nghỉ, hàng xóm mới mách là ngày trước, cô giúp việc toàn bóp mũi con chị để bé há mồm để cô ta nhét thức ăn vào. Nghĩ lại, chị thương con đến đứt ruột, và tự trách mình vì ngày trước, chị đã yêu cầu cô giúp việc là ở nhà phải cố cho cháu ăn hết suất.

Trên thực tế, cũng không ít trường hợp các cô giáo mầm non đã tìm đủ mọi cách doạ nạt các bé để chúng ăn nhiều hơn, những mong các bé lên cân để lấy lòng cha mẹ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, càng tìm cách ép trẻ ăn càng làm cho trẻ sợ ăn. Thậm chí lâu ngày, việc ép này còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện dinh dưỡng Quốc gia), những tháng hè trẻ đến khám và tư vấn biếng ăn và suy dinh dưỡng thường tăng cao đột biến. Nguyên nhân của tình trạng trẻ biếng ăn “kinh niên” thường đến từ lỗi sai trong việc chăm sóc của người lớn.

“Nhiều gia đình hiện nay vẫn cho con ăn theo kiểu hỗn hợp khiến trẻ rất sợ ăn. Có nhiều trường hợp trẻ 13-14 tháng tuổi rất sợ phải ăn, nguyên nhân là do mẹ chỉ cho ăn cháo vì sợ cháu ăn món khác thì hóc hoặc nôn trớ. Hay có nhà chỉ chú ý đến dinh dưỡng nên đến bữa làm một bát cơm, trộn đủ thứ. Ngày nào cũng giống ngày nào. Khẩu phần ăn đơn điệu không thay đổi cách chế biến khiến cho trẻ biếng ăn.” – BS Nga cho biết.

Bác sĩ Nga
TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện dinh dưỡng Quốc gia)

Theo BS Nga, nên cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn để tránh trẻ bị “ngán”. Ví dụ trẻ có thể ăn cơm trắng riêng, ăn thịt riêng và rau riêng…

Đáng chú ý, khi cho trẻ ăn cần đưa khẩu phần ăn ra một cách từ từ, từng thứ một để trẻ khỏi “hoảng”. Trẻ có dấu hiệu không muốn ăn thì phải dừng ngay, không bắt ép trẻ.

Mùa hè trẻ lười ăn, có thể cho chế biến thực phẩm ở dạng nước, dạng súp. Nhưng không nên ăn loãng quá vì sẽ không đủ dinh dưỡng. Trẻ lớn hơn sợ ăn cháo thì có thay đổi mỳ, bún, phở…

TS.BS Phan Bích Nga tư vấn, để cải thiện tình trạng biếng ăn trong những ngày hè cho trẻ, cách đơn giản nhất là hãy tạo không gian thoáng mát. Ở những gia đình không có điều hòa có thể tắm nhiều lần cho trẻ. Một ngày có thể tắm 2-3 lần/ngày sẽ giúp giảm bớt nhiệt, trẻ dễ chịu và ăn uống tốt hơn.

Ngoài ra, phải tăng cường cho con ăn rau quả, trái cây tươi. Uống nước trái cây tươi bù đắp mất nước do mất mồ hôi. Trẻ ra mồ hôi quá nhiều có thể cho uống oresol bù nước và điện giải. Cho trẻ ăn đủ chất bột đường để sản sinh năng lượng. Trẻ dưới 1 tuổi,1 tháng cân đo cho trẻ/lần. Nếu thấy trẻ tụt cân thì phải điều chỉnh chế độ ăn của trẻ ngay.

Nói về chế độ dinh dưỡng của trẻ, BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, một sai lầm mà các bà mẹ thường mắc phải là quá chú trọng đến chất đạm mà bỏ qua sự quan trọng của chất bột đường. Vì vậy, họ hầm nấu rất nhiều thịt cá bổ dưỡng nhưng lại không cho trẻ ăn đủ cơm.

“Chế độ ăn ít tinh bột, nhiều đạm chỉ phù hợp với người lớn” – BS Lâm nói.

Một nguyên nhân rất “lạ” cũng khiến trẻ chán ăn mà ít người biết, theo TS. Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện y học ứng dụng), là có thể do trẻ bị dị ứng thực phẩm. Dị ứng thực phẩm ở mức nhẹ khiến cho trẻ chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc khi ăn… Trẻ có thể biểu hiện chán ghét khi phải ăn đồ ăn đó mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ sợ ăn, dẫn tới suy dinh dưỡng.

Trong khi đó, Ths.BS Trần Khánh Vân (Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết,  kẽm đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe, tham gia vào hoạt động của các enzyme, vào biểu hiện kiểu gen, phân chia tế bào và phát triển cơ thể, tham gia vào chức năng sinh sản, miễn dịch, điều hòa vị giác, cảm giác ngon miệng.

Thiếu kẽm ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác khiến trẻ không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Trẻ chậm phát triển thể chất đặc biệt là chiều cao với biểu hiện chán ăn, nôn, tiêu hóa kém. Nặng hơn, trẻ sẽ suy dinh dưỡng, lùn, chậm dậy thì, thiểu năng sinh dục và chậm phất triển tâm thần vận động.

BS Vân nhắc nhở các vị phụ huynh cần lưu ý bổ sung kẽm bằng các loại thực phẩm chứa kẽm như thịt bò, gà, hàu, các loại đậu nguyên hạt, nấm, cải bó xôi, súp lơ xanh…; nếu không có điều kiện để bổ sung kẽm đầy đủ bằng thực phẩm, có thể dùng thêm các chế phẩm dinh dưỡng chứa kẽm.

Ngoài ra, cần lưu ý có những biện pháp thay đổi để kích thích khiến trẻ thèm ăn thực sự như: giảm ăn đồ ăn vặt (snack, nước ngọt…) vì đây là những loại thực phẩm năng lượng rỗng tạo cảm giác no giả. Thời gian giữa các bữa ăn cũng cần đủ lâu, đặc biệt là khuyến khích trẻ tăng cường vận động.

Theo BS Vân, mùa hè nóng nực, nhiều bậc phụ huynh thường giữ trẻ ở trong nhà bật điều hoà cả ngày ngồi xem tv, ipad… càng khiến cho trẻ không có cảm giác thèm ăn. Mỗi ngày cần cho trẻ vận động vào những thời gian thích hợp ngoài trời như trước 9 giờ sáng, buổi chiều nắng nóng thì có thể cho trẻ chơi các trò vận động tại chỗ.

5/5 - (1 vote)

DMCA.com Protection Status