Salammbô – tiểu thuyết lịch sử từng làm náo động Paris

Tiểu thuyết lịch sử Salammbô của G. Flaubert vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng này xuất hiện lần đầu tiên năm 1862. Từ đó đến nay, nó vẫn luôn nằm trên kệ các cửa hàng sách Pháp, có lẽ vì nó khá đặc biệt, như nhà văn Pháp George Sand từng nói: “Câu chuyện kỳ lạ và tuyệt đẹp, đầy bóng tối và ánh sáng. Nó chẳng là kiểu của ai và chẳng chịu ảnh hưởng của bất kỳ người nào; nó không thuộc một trường học nào cả”.

Bối cảnh lịch sử truyện là cuộc chiến giữa thành Carthage với quân lính đánh thuê mà Carthage sử dụng trong Chiến tranh Carthage lần thứ nhất chống lại quân La Mã (thế kỷ thứ ba trước Công nguyên). Lính nổi dậy, tức giận vì không nhận được tiền lương như đã hứa sau khi chiến tranh với La Mã kết thúc. Flaubert đã làm sống lại một Phương Đông đầy màu sắc dữ dội mà trên hết là cuộc tình ngang trái giữa Ma-thô, thủ lĩnh quân Đánh thuê, và Salammbô, con gái Pháp quan, tướng quân Carthage.
Bia-Salammbototo-webphunu.net

Bìa sách “Salammbô”.
Sau khi ra mắt lần đầu tiên, tiểu thuyết đã làm náo động cả Paris lúc bấy giờ, gây ra những cuộc tranh luận ồn ào, mà nội dung những cuộc tranh luận nảy lửa ấy còn ghi trong phụ lục tác phẩm. Salammbô trở thành đề tài của nhiều bức họa nổi tiếng, tác phẩm cũng được chuyển thể thành opera, phim, kịch, truyện tranh. Câu chuyện lịch sử nhưng tính thời sự của nó luôn nóng.

Nói về công việc chuyển dịch cuốn sách này, dịch giả Thắm Trần chia sẻ, chị như thể “người nông dân ngồi nhặt từng hạt, từng hạt thóc… Tôi dịch rất mệt. Nhiều khi đắng hết cả miệng đến mấy ngày liền”.

Văn của Flaubert trong Salammbô là những câu thơ, nhiều khi đẫm máu, là những hình ảnh tái hiện một Phương đông dữ dội, nên trước tiên, Thắm Trần muốn bản tiếng Việt phải chuyển tải được hình ảnh ấy. Chị kỳ vọng, khi đọc bản tiếng Việt, người đọc phải thấy được hình ảnh như khi đọc bản tiếng Pháp.

Dịch giả cố gắng bám sát chữ nghĩa nhất có thể với bản gốc. Và vì văn của Flaubert trong Salammbô là thơ viết bằng văn xuôi, chị muốn bản tiếng Việt cũng là những câu thơ. Người dịch chủ ý giữ giọng văn ngoắt ngoéo của Flaubert, hy vọng bạn đọc Việt tiếp cận và thưởng thức được phong cách của ông.

“Cuối cùng, tôi muốn đem lại sự mạch lạc, rõ ràng nhất có thể, vì ngay người Pháp khi đọc Salammbô cũng phải tra từ điển nhiều từ và tìm hiểu nhiều điển cố. Tôi có thể kể với các bạn là khi dịch, bên cạnh bản dịch chính, tôi có một file phụ chuyên ghi chép lại giải nghĩa tất cả những ý khó, bằng từ ngữ cũng như bằng hình ảnh, và file này rất dài, rồi tôi lọc ra từ những giải thích lê thê ấy những gì cần cho bạn đọc Việt. Như các bạn sẽ thấy trong phần giải thích dưới mỗi trang”, dịch giả nói.

Dịch giả Thắm Trần hiện sống ở Pháp. Chị kể, sau khi đề ra cho mình những tiêu chí rõ ràng như trên trong quá trình chuyển ngữ Salammbô chị nghĩ mình có chút thành công khi nhận được thư của mẹ mình – một trong những độc giả của bản dịch. Trong thư có đoạn: “Mẹ đã lấy sách rồi… Truyện dịch Salammbô thì đọc toàn thấy đánh nhau dễ sợ quá. Mẹ đọc mà tối đi ngủ cứ mơ. Chuyện hay thật nhưng đọc khá mệt. Con dịch chắc là mệt lắm. Đọc xong mà cứ như vừa bước ra khỏi địa ngục”.

5/5 - (1 vote)

Leave a Comment

DMCA.com Protection Status