Theo các nghiên cứu từ phương pháp Glenn Doman, một trong những phương pháp giáo dục sớm thành công nhất hiện nay, việc dạy trẻ biết đọc sớm sẽ giúp “khai thác” các tiềm năng của bé tốt hơn. Đặc biệt, giai đoạn dưới 6 tuổi được xem là khung thời gian vàng để phát triển trí não của trẻ, nên bắt đầu dạy con học ở độ tuổi này sẽ giúp bé đẩy nhanh tốc độ khám phá và hiểu biết.
Vì sao nên dạy trẻ biết đọc sớm?
Với các chuyên gia giáo dục sớm thì việc dạy bé học nên diễn ra càng sớm càng tốt. Để lý giải điều này, mẹ có thể tham khảo những nguyên nhân vì sao nên dạy trẻ đọc sớm.
Giúp thỏa mãn trí tò mò của con
Trẻ ở lứa tuổi lên 2, lên 3 có một nhu cầu vô cùng lớn về tìm hiểu, khám phá. Tất cả sự hiếu động, nghịch ngợm của trẻ đều là kết quả của mong muốn này. Chính vì vậy, việc mẹ cho con một cơ hội để thỏa mãn niềm đam mê tìm tòi của mình, bé sẽ bớt nghịch ngợm hơn trong quá trình tìm hiểu thế giới xung quanh và chính bản thân mình.
Đọc là sở thích tự nhiên của trẻ nhỏ
Hầu hết các bé đều thích đọc từ khi còn rất nhỏ. Đó là lý do mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ đọc từ rất sớm.
Hầu hết trẻ nhỏ đều thích được đọc sách và xem hình ảnh
Khở đầu sớm giúp bé dễ nắm bắt hơn
Khả năng học hỏi của trẻ 3 tuổi so với 4 tuổi không giống nhau. Và việc mẹ bắt đầu sớm sẽ khiến cho quá trình học đọc trở nên dễ dàng hơn so với bắt đầu muộn.
Tiếp thêm sự tò mò, ham học hỏi
Những bé được mẹ khuyến khích học hỏi từ nhỏ sẽ sớm hình thành niềm say mê học hỏi hơn so với những bé từ nhỏ đã không được khuyến khích việc học.
Giúp trẻ tự tin hơn
Trẻ được học đọc từ nhỏ có ưu thế hơn về việc diễn đạt, do đó, bé cũng tự tin hơn trong quá trình giao tiếp.
Mẹo dạy trẻ biết đọc một cách hiệu quả
Ở giai đoạn bắt đầu, ba mẹ cần làm cho bé cảm thấy rằng, học tập là một trò chơi vô cùng thú vị chứ không phải là một nhiệm vụ bắt buộc phải hoàn thành. Làm sao để thực hiện được điều này?
Bước 1: Chọn thời điểm thích hợp để dạy bé
Tâm trạng tốt là lúc thích hợp nhất để bé nắm bắt những kiến thức mới. Chính vì vậy, khi trẻ đang giận dữ, khó chịu, tỏ ra cáu bẳn, đói hoặc mệt thì mẹ không nên ép bé vào “trò chơi” mang tên tập đọc.
Trước hết, mẹ cần giải quyết vấn đề khiến bé khó chịu. Đừng bao giờ cố nhồi nhét kiến thức cho một đứa trẻ đang đói, khát hay đang mệt mỏi. Mẹ cần giúp trẻ kiểm soát cơn giận và giữ tâm lý bình tĩnh trước khi bắt đầu tìm hiểu bất cứ điều gì.
Bước 2: Dành cho bé một thời lượng phù hợp
Trẻ nhỏ không thể tập trung quá lâu, do đó, ngay cả đối với việc dạy trẻ học đọc, mẹ cũng không nên để giờ tập đọc này kéo dài quá lâu. Mỗi tuần, mẹ có thể tiến hành việc tập đọc cùng bé 2-3 lần, nhưng luôn chú ý quan sát những dấu hiệu mệt mỏi, mất tập trung ở nơi con để dừng đúng lúc.
Bước 3: Truyền cảm hứng cho con
Dù bản chất của “trò chơi” là mẹ đang dạy cho bé tập đọc, việc duy trì sự hào hứng, vui vẻ là rất quan trọng. Mẹ đừng chỉ vào tranh vẽ hay giơ thẻ flashcard và đọc như một cái máy. Luôn duy trì cảm giác nhiệt tình, vui vẻ là bí quyết hàng đầu để tạo hứng thú học tập cho trẻ nhỏ.
Bước 4: Đưa ra kiến thức mới thật nhanh
Mấu chốt của phương pháp Glenn Doman là việc học thông qua các thẻ – flashcard. Mẹ có thể tự làm các thẻ này tại nhà. Yêu cầu của các thẻ này là chữ viết đủ to, đậm và mang một phong cách đồng nhất.
Khi muốn con học điều gì, mẹ cần đưa từ mới ra thật nhanh, sao cho để bé kịp nhìn thấy và nắm bắt mà vẫn vui vẻ để học hỏi. Việc kéo dài bước giới thiệu sẽ chỉ làm con cảm thấy nhàm chán và dễ mất tập trung.
Ngoài những lời khuyên kể trên, phương pháp Glenn Doman cũng khuyên các mẹ nên chuẩn bị thật nhiều tài liệu khi muốn dạy trẻ biết đọc sớm. Các tài liệu của phương pháp này chính là flashcard. Tuy nhiên, nếu mẹ dạy bé tập đọc bằng một phương pháp khác thì nên chuẩn bị những tài liệu phù hợp theo phương pháp mà mình chọn.